Bs CKII- Bác sỹ Cao cấp Vũ Thị Vui
- Chức danh: Trưởng Phòng khám Chuyên khoa YHCT - Cơ sở Mỹ Đình
- Bệnh viện: Bệnh viện châm cứu trung ương
- Chuyên khoa: Khoa Điều Trị và chăm sóc trẻ bại não
27 năm gắn bó với khoa, bác sĩ Vũ Thị Vui đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình điều trị cho trẻ bại não, đặc […]
Đều đặn hằng ngày, cứ 8 giờ sáng, khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não, bệnh viện Châm cứu Trung ương lại rộn ràng bởi tiếng khóc réo rắt của bệnh nhi, câu hò nhau hỗ trợ từ những người bố, người mẹ và người bà có con đang điều trị tại đây.
Trưởng khoa Vũ Thị Vui cùng cộng sự của mình lần lượt đi từng buồng bệnh. Cứ ngưỡng giờ này, nhìn thấy bác sĩ Vui bên cạnh chiếc xe đẩy cùng nhiều y bác sĩ mặc áo blouse, những đứa trẻ được nhắc đến giờ châm.
Những ánh mắt bắt đầu đỏ hoe, tiếng khóc ê a từ phòng bệnh này nối sang phòng khác. Những hộp kim châm cứu dài, ngắn được đặt ngay ngắn bên cạnh máy châm cứu trên chiếc xe đẩy. Những đứa trẻ ở đây chuẩn bị bước vào đợt châm cứu kéo dài 30 phút.
Gần trưa, bác sĩ Vui mới ngơi tay, uống cốc nước và xem công việc tiếp theo cần xử lý là gì.
Cuộc trò chuyện với người bác sĩ sinh năm 1967 tràn ngập tình yêu thương của bà với bệnh nhi và người nhà.
Ngày càng nhiều trẻ bị tăng động, giảm chú ý. Theo bà, nguyên nhân chính là do đâu?
– Hầu hết các bé có dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ là do mẹ bị rối loạn tâm trạng trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên. Nguyên nhân là tâm trạng bất ổn của mẹ sinh đã ra hormone cortisol và dolpamine, gây tác động đến não bộ và gây ra sự mất tập trung, giảm chú ý, dễ kích động cho trẻ.
Chính trạng thái lo âu, căng thẳng của mẹ đã làm cản trở sự hấp thu dinh dưỡng và khiến bé bị thiếu hụt những dưỡng chất cần thiết. Điều này gây thiếu hụt các chất cần thiết cho sự phát triển thần kinh của thai nhi khiến bé chậm nói.
Khi người mẹ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, cộng thêm tâm trạng căng thẳng, buồn phiền thì đứa trẻ sinh ra cũng có nguy cơ cao bị chậm nói và kém phát triển trí não.
Bà có thể đưa ra một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị tăng động, giảm chú ý?
– Trẻ tăng động giảm chú ý thường bị chậm phát triển ngôn ngữ. Có những trẻ phát triển khả năng nói bình thường trong giai đoạn đầu nhưng sau mất dần ngôn ngữ và rối loạn hành vi. Khả năng giao tiếp có lời nói và không lời nói đều bị giảm hoặc mất. Còn lại, hầu hết các trẻ đều chậm nói.
Thiếu tập trung: Trẻ mắc chứng này sẽ gặp khó khăn trong việc chú ý ngay cả khi đang bị người lớn nhắc nhở. Trẻ thường giả điếc, coi như không nghe thấy bạn nói gì. Hoặc trẻ nói là đang nghe lời nhưng khi được yêu cầu lặp lời, trẻ sẽ không biết nói gì.
Trẻ khó tập trung để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thường thì trẻ sẽ bắt đầu làm rồi bỏ lửng công việc đang làm, chạy đi làm việc khác hoặc không biết mình phải làm gì tiếp theo.
Rối loạn hành vi: Trẻ thường có những hành động bất thường, lặp đi lặp lại 1 động tác. Trẻ không nhận biết được bộ phận cơ thể của mình.
Trẻ không có sự giao tiếp bằng mắt hoặc giao tiếp bằng mắt nhưng lơ đãng, mắt không có điểm dừng. Có nhiều trẻ giao tiếp được bằng lời nói nhưng cũng có những trẻ không giao tiếp được bằng lời nói.
Rối loạn cảm xúc: Trẻ tăng động giảm chú ý có thể khó mà kiềm chế được cảm xúc, cả tốt và xấu. Chúng hay la hét ầm ĩ, đập đầu, ăn vạ vô lý. Trẻ có thể bùng phát các cơn thịnh nộ hoặc giận giữ ở những thời điểm không phù hợp.
Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường hay huyên náo, gây ồn ào, nhưng có những trường hợp không phải thế. Một dạng khác của chứng này thì yên tĩnh hơn và ít liên quan đến bạn bè. Trẻ có thể nhìn lơ đãng ra ngoài trời, như đang mơ màng, và bỏ qua những điều đang diễn ra quanh mình.
Rối loạn sinh hoạt: Trẻ tăng động giảm chú ý thường ăn kém, ngủ không được ngon giấc.
27 năm gắn bó với cây kim, bà rút ra được điều gì cho bản thân trong quá trình làm nghề?
– Làm nghề y, đặc biệt với những người trực tiếp chữa trị cho bệnh nhi bại não thì phải tâm huyết, yêu thương trẻ con.
Tôi nghĩ, mình phải đặt vào mình người bố người mẹ mới làm được, cảm giác đó là con cháu của mình thì mới làm được cho bệnh nhân. Nếu không thương các con thì không làm được đâu.
Cũng giống như việc nấu ăn, nếu nấu mà không để tâm và không dành tình yêu cho món ăn đó thì nấu sẽ không được ngon.
Mình điều trị bệnh cho các bạn nhỏ, mình có cái tâm, mang hết nội lực của mình trong từng mũi kim châm vào bệnh nhi thì các bé mới có tiến triển. Nếu cứ châm ào ào cho xong thì sẽ không có tác dụng.
Sự tâm huyết của bà trong việc điều trị cho bệnh nhi được thể hiện như thế nào?
– Khi đến viện, tôi toàn tâm toàn ý với bệnh nhân. Hôm nào ở nhà mà chưa ăn sáng thì tới đây cũng đừng mong có thời gian ăn uống.
Sáng đến khoa, sau khi thay quần áo, tôi đi các buồng bệnh xem bệnh nhân thế nào. Rồi tôi chuẩn bị châm cho các bệnh nhi, hòm hòm công việc nhìn đồng hồ cũng đã gần trưa chặt.
Tôi thấy kỳ diệu là không hiểu sao mình có thể làm được nhiều việc như thế trong một ngày. Hôm nào rảnh rảnh, tôi đi lướt các phòng bệnh, hỏi han người nhà, bắt tay bắt chân bệnh nhân.
Như vậy, bà coi người nhà bệnh nhân như những người thân thiết của mình?
– Đúng vậy, tôi vừa là bác sĩ điều trị vừa là người lắng nghe tâm sự từ người bố, người mẹ, người bà của bệnh nhân. Những câu chuyện họ chia sẻ với tôi, tôi thấy buồn. Tôi cứ tự hỏi: Tại sao lại có nhiều hoàn cảnh khó khăn như thế?
Những sự sẻ chia đó như thế nào mà khiến bà buồn đến vậy?
– Nhiều trường hợp thương lắm. Tôi cứ sang phòng bệnh là người nhà lại tâm sự với tôi.
Có mẹ của bệnh nhân nhìn tôi bảo: ‘Bà ơi bà, bà sướng nhỉ, bà được ăn mặc đẹp, thích đi đâu thì đi còn con chẳng bao giờ được đi đâu, chẳng được ăn mặc đẹp và chưa bao giờ được ngủ trọn vẹn 2 tiếng đồng hồ, ăn cơm thì lúc đứng lúc ngồi, có khi bỏ bữa’. Rồi có những người mẹ bế con suốt đêm, vừa dựa lưng vào tường vừa ngủ gật.
Có bé đẻ ra thì bố bỏ đi hoặc mẹ bỏ đi để bà nuôi hoặc nhà có 3- 4 đứa con đều bị như vậy. ‘Cháu chẳng hiểu sao sau khi cháu sinh đứa này thì chồng cháu đi luôn không về nữa’ nhưng bạn đó không biết chồng đã đi ở với người đàn bà khác và cũng có con với người đó rồi.
Vậy còn những niềm vui thì như thế nào?
– Niềm vui cũng không ít. Niềm vui có được không chỉ những lúc bệnh nhân có tiến triển, dù là một chút mà còn là sự sẻ chia giữa tôi với người nhà bệnh nhân nữa. Có khi chỉ cần nhìn bệnh nhân biết đi thôi mà cả khoa ra vỗ tay chung vui cùng gia đình.
Với gia đình quá khó khăn thì tôi cũng giúp họ một chút và kêu gọi nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ. Có những trường hợp đi tàu xe đến viện hết tiền, trong túi chỉ có 100.000 đồng, tôi bảo cho tiền người nhà bệnh nhân nhưng họ chỉ vay thôi, vay rồi trả chứ không xin. Như vậy, tôi cũng đã giúp đỡ họ được phần nào.
Tôi không phân biệt bệnh nhân giàu hay nghèo. Với tôi, càng bệnh nhân nặng mà nghèo thì càng phải quan tâm nhiều hơn.