1. Đặc điểm của bệnh: Bệnh lỵ trực trùng là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do vi khuẩn Shigella với biểu hiện lâm sàng đa dạng (25% có hội chứng lỵ rõ, 25% nhiễm khuẩn không triệu chứng. Đa số trường hợp chỉ có tiêu chảy nhẹ. Một số ít có diễn tiến mạn tính).
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
– Ca bệnh lâm sàng:
Hội chứng lỵ (đau thốn vùng trực tràng, mót rặn, phân nhày máu) + hội chứng nhiễm khuẩn (sốt cao, đau nhức cơ, mệt mỏi)
Thời kỳ toàn phát: bao gồm hai hội chứng chính
+ Hội chứng lỵ: phân nhày máu, nhiều lần, lượng phân càng về sau càng ít dần. Trường hợp nặng có thể đến 20 – 40 lần đi đại tiện/ngày. Bệnh nhân mót rặn nhiều, ngày càng tăng, đau thốn vùng trực tràng. Đau bụng quặn từng cơn dọc khung đại tràng trước khi đại tiện. Khám bụng thường thấy đau thốn rõ ở nửa dưới bụng bên trái, vùng đại tràng sigma hoặc đau toàn bộ khung đại tràng.
+ Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt cao 39- 400C, kèm ớn lạnh, đau nhức cơ toàn thân, mệt mỏi, biếng ăn, buồn nôn hoặc nôn. Ở trẻ nhỏ, có thể có co giật do sốt cao, hoặc do nhiễm độc thần kinh. Sốt có thể tiếp tục cao, nhưng thường sốt giảm sau vài ngày. Thể trạng suy sụp nhanh chóng, mệt mỏi hốc hác, môi khô, lưỡi vàng nâu.
Diễn tiến và các hình thái lâm sàng:
+ Thường sau một đến hai tuần không điều trị, bệnh cũng cải thiện tự nhiên. Tuy nhiên, bệnh cảnh lâm sàng có thể rất khác biệt:
+ Thể nặng và cấp, bệnh nhân sốt cao, lạnh run, tiêu máu ồ ạt, rối loạn nước điện giải, suy tuần hoàn, tử vong; thường là do nhiễm S. dysenteriae.
+ Thể nhẹ (thường do nhiễm S. sonnei) bệnh nhân tiêu chảy nhẹ hoặc không triệu chứng rõ ràng, chỉ có đau bụng âm ỉ, tiêu phân lỏng thoáng qua sau đó tự giới hạn.
+ Thể mãn tính, bệnh nhân tiêu nhày máu kéo dài làm mất nhiều đạm, rối loạn nước điện giải kéo dài, suy kiệt.
+ Đối với trẻ em từ 1 đến 4 tuổi thường bệnh cấp tính với sốt rất cao, kèm co giật, biểu hiện thần kinh: li bì, lơ mơ, đau đầu, cổ cứng. Một số trường hợp có thể tử vong do hội chứng tán huyết, urê huyết cao hoặc sốc nội độc tố.
– Ca bệnh xác định: Phân lập được vi khuẩn Shigella trong mẫu phân hoặc phết trực tràng.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự.
– Phân biệt lỵ a – míp và lỵ trực trùng (xem phần lỵ a – míp)
– Lồng ruột, thoát vị nghẹt ở trẻ con: không sốt, bụng chướng, tăng nhu động, bí trung đại tiện, dấu hiệu rắn bò.
1.3. Xét nghiệm.
– Loại mẫu bệnh phẩm: mẫu bệnh phẩm thường là phân tươi hoặc phết trực tràng. Nếu là phết trực tràng cần giữ trong môi trường chuyên chở Cary Blair trước khi chuyển đến phòng xét nghiệm.
– Phương pháp xét nghiệm: Cấy phân. Nuôi cấy định danh vi khuẩn và ngưng kết kháng huyết thanh.
– Những xét nghiệm khác:
+ Soi trực tràng: Ca điển hình không cần soi trực tràng. Tổn thương đại tràng do lỵ trực trùng là hình ảnh viêm lan tỏa cấp tính niêm mạc, có nhiều vết loét cạn, cần lấy chất nhày tại chỗ để cấy tìm vi khuẩn.
+ Huyết thanh chẩn đoán: Phản ứng ngưng kết phát hiện kháng thể trong huyết thanh bệnh nhân nặng và có sốt nhưng không có giá trị chẩn đoán sớm.
+ Phương pháp miễn dịch huỳnh quang trực tiếp để nhận diện Shigella ở phân tươi cần có kháng huyết thanh đa giá. Trên thực tế, chỉ dùng kháng huyết thanh đơn giá để chẩn đoán bệnh nhanh khi có dịch ở địa phương do một týp huyết thanh đã biết trước.
+ Công thức máu: ít có giá trị chẩn đoán. Bạch cầu thường tăng trong khoảng từ 5.000 – 15.000/mm3 với tỉ lệ bạch cầu đa nhân trung tính chiếm ưu thế.